-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Giáo dục con thông qua những trò chơi phát triển trí tuệ cho trẻ
06/01/2020
Bởi vì trẻ cần phải được phát huy các năng lực tiềm tàng của mình, nên các trò chơi phát triển trí tuệ cũng phải đáp ứng được tiêu chí đó. Tôi dành một góc phòng của con làm nơi tập thể dục. Ở đó tôi đặt những dụng cụ phù hợp với việc rèn luyện sức khỏe, con của tôi có thể tập gậy, đánh đu,… Các trò chơi của bé đều nhằm mục đích nâng cao trí tuệ, thể lực, đạo đức, phát huy tốt nhất mọi khả năng của bản thân, không lãng phí sức lực một cách vô ích.
Trẻ con thường thích những trò chơi bắt chước, diễn kịch. Những trò chơi kiểu này lại rất hiệu quả trong việc mở rộng hiểu biết của trẻ. Ở các rạp hát dành riêng cho trẻ em, nếu tổ chức được các kịch bản như thế sẽ rất có ích. Tôi nghĩ rằng các bộ phim cũng có thể mở ra nhiều vấn đề để bàn luận, nhưng nếu đem so sánh thì loại kịch này có tính giáo dục thiết thực hơn. Tôi thường xuyên dẫn con đi đến những chỗ như thế, và khi về 2 mẹ con sẽ cùng diễn lại, nếu không đủ người thì sẽ dùng búp bê.
Tôi và con cũng hay chơi trò chơi bịt mắt. Bé sẽ bị che mắt và đoán xem một vật nào đó là vật gì, hoặc là đi quanh phòng để xác định đồ vật. Loại trò chơi này giúp trẻ phát triển xúc giác.
Để phát triển thị giác, chúng tôi chơi trò đố “cái này có bao nhiêu”. Tôi sẽ xếp các quân cờ tướng hoặc hạt đậu trên bàn, sau đó cho bé nhìn qua 1 chút và đố xem số lượng là bao nhiêu. Với trò chơi này thì có rất nhiều cơ hội để áp dụng. Chẳng hạn khi ăn có thể đố có bao nhiêu miếng táo trên đĩa, hay khi cùng nhau đi bộ trên đường có thể đố có bao nhiêu thứ gì đó trên vỉa hè… Trò chơi này giúp trẻ trở nên nhạy bén và có trí nhớ tốt.
Khi con nhà tôi còn rất nhỏ, tôi thường dẫn con đi đến nhiều nơi, lần sau đến đó tôi để con đi trước và dẫn tôi theo. Đến khi bé được 16 tháng tuổi đã có thể dẫn mẹ đến khá nhiều địa điểm.
Nói về các trò chơi phát triển thị giác thì có rất nhiều. Lấy ví dụ tôi nghĩ về món đồ gì đó trong phòng, và bảo là nó màu đỏ. Khi đó con của tôi sẽ lần lượt tìm các đồ màu đỏ trong phòng để đoán, và chỉ được đoán trong một số lần nhất định, giả sử 3 hoặc 5. Nếu không đoán trúng thì sẽ thua cuộc.
Lại nói về trò chơi với bảng cửu chương. Tôi viết các phép tính vào các mảnh bìa, ví dụ 5×7, 8×9. Có rất nhiều các mảnh như thế, sẽ lần lượt được đưa ra. Người chơi phải ngay lập tức trả lời là 35, 72. Nếu trả lời chậm hoặc sai thì người kia sẽ trả lời thay và được lấy tấm bìa đó.
Khi lái máy bay cần phải nhớ những thao tác điều khiển máy bay. Trẻ con cũng cần phải nhớ những thao tác của bản thân mình, hay nói cách khác là biết điều khiển tay chân mình. Để làm được điều đó có 1 trò chơi gọi là “bắt chước tượng đồng”, có nguồn gốc từ người Hy Lạp. Khi chơi trò này, 1 người sẽ giữ nguyên 1 tư thế nhất định trong khi người kia sẽ đếm đến 50 hoặc 100, nếu cử động sẽ bị thua.
Ta cũng có thể dùng vải, giấy,… để tạo ra nhiều đồ chơi rèn luyện sự khéo léo của đôi tay. Các trò chơi cần vận động đầu óc cũng rất nhiều, và trẻ có thể chơi mà không biết chán. Tôi thường dùng giấy để xếp thuyền và bướm cho con, dùng vải để làm búp bê, dùng vỏ bao thuốc lá làm xe ngựa, dùng các hộp to để xây nhà và thành trì, làm cầu và tháp… Ngoài ra tôi còn dùng hạt đậu Nam Kinh làm thành hình người, dùng quả chuối làm ngựa. Những thứ này không phải chỉ nhằm để chơi mà còn có tác dụng phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.
Lúc nhỏ con của tôi được dạy cả việc khâu vá và may quần áo cho búp bê. Năm 4 tuổi, bé lần đầu tiên tặng mẹ một món quà, đó là con búp bê đội mũ được khâu bằng rất nhiều chỉ. Tôi cũng dạy bé đan, và bé đã làm ra được khá nhiều thứ. Tuy nhiên việc khâu vá nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, vì thế mỗi lần chỉ nên làm khoảng 15 phút. Với việc như vẽ tranh thì có thể lâu hơn, tầm 30 phút. Nhưng nhìn chung việc gì cũng không được để trẻ làm đến mức cực nhọc.
Đối với trẻ con thì đồ ăn, trò chơi, bạn chơi, nên thường xuyên thay đổi. Emerson có nói: Nếu thế giới chỉ có 2 người thì trong vòng 1 ngày giữa họ sẽ hình thành quan hệ chủ-tớ. Vì thế, tôi rất chú ý để con không chỉ chơi suốt với 1 người bạn, tránh cho giữa chúng nảy sinh kiểu quan hệ như trên. Có những người nói rằng, để cho bé trai và bé gái chơi với nhau là không tốt, nhưng tôi thì nghĩ ngược lại. Khi chơi như thế, bé gái sẽ dịu dàng nữ tính hơn, và bé trai sẽ có cơ hội để chứng tỏ sự dũng cảm, khí phách của mình. Hai bên sẽ đều nhanh chóng trở nên người lớn hơn.
Làm vườn cũng rất tốt cho việc mở mang kiến thức và rèn luyện sức khỏe cho trẻ. Khi con vừa biết đi, tôi mua một cái mai và một cái xẻng nhỏ. Tôi dạy cho bé cách gieo hạt, trồng hoa, nhỏ cỏ, tưới cây. Tôi nhận thấy rằng những công việc này cũng góp phần bồi đắp cảm hứng và rèn luyện tính kiên nhẫn cho con trẻ.
Có nhiều bà mẹ không có hứng thú với các trò chơi của con. Trong khi họ bận bịu việc khâu và, bếp núc, con làm được bao nhiêu thứ và sung sướng đem khoe mẹ nhưng họ cũng không thèm nhìn. Như vậy trẻ sẽ buồn bực và dẫn đến phá phách, rồi lại bị đánh mắng. Nhưng đó hoàn toàn là do lỗi của người lớn.
Người làm cha mẹ phải nỗ lực để cùng chơi với con trẻ. Người mẹ mà vì bận việc nhà mà bỏ mặc con tự chơi là không hoàn thành nghĩa vụ giáo dục con. Trong thời đại tiến bộ ngày nay, làm gì cũng phải tính toán, không nhất thiết phải ôm tất cả mọi việc vào mình mà nên tận dụng sự tiến bộ của nhân loại để làm sao trong 1 ngày không lãng phí thời gian đáng lẽ ra phải dành để giáo dục con. Để trẻ tự chơi chắc chắn sẽ dẫn đến cãi cọ, khóc lóc. Người lớn phải luôn giám sát được sự chơi đùa của trẻ cả khi trong nhà lẫn bên ngoài. Về điểm này phụ nữ nước ta phải học tập các bà mẹ Nhật Bản. Vào dịp Tết, vào các tháng 3,5,7, họ đều có lễ hội trong đó người lớn làm rất nhiều thứ cho trẻ em được vui chơi. Một điểm nữa ở các bà mẹ Nhật Bản là trong phòng họ không dành riêng ra một góc chuyên xếp những đồ lặt vặt trong nhà và cấm con trẻ được động vào. Họ thường dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ để con được vui chơi ở những chỗ rộng rãi. Họ cũng không đi giày dép trong nhà, vì thế sàn nhà luôn sạch sẽ và trẻ có thể chơi thoải mái trên đó. Nhân tiện tôi xin nói thêm ở đây về trò chơi bài của Nhật Bản. Đó là một loại trò chơi rất có tác dụng trong việc giúp trẻ lanh lợi và có trí ghi nhớ tốt. Đối với các môn học như lịch sử, địa lý, toán học, tôi đều dùng cách viết ra các tấm bìa và cùng chơi với con dưới dạng chơi bài, hiệu quả thực sự đáng ngạc nhiên.
Tính xã giao với trẻ cũng rất cần thiết. Nên khuyến khích trẻ tổ chức và tham gia các hội, tất nhiên phải đảm bảo vừa vui vừa có ích. Con của tôi hiện đang là hội viên hội tương trợ thiếu niên, chuyên gửi hoa và đồ chơi tự làm đến cho các em nhỏ bị đau ốm.
Tuy nhiên, trong các thú vui của trẻ thì đọc sách là quan trọng nhất. Nhưng trẻ thích đọc sách gì lại phụ thuộc vào những cuốn sách mà trẻ được đọc đầu tiên, vì thế bố mẹ phải hết sức chú ý trong việc lựa chọn sách, cũng chính là định hướng cho con. Đó không chỉ là những cuốn sách để đọc mà còn là thứ sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của con sau này. Báo chí thì hầu như trẻ nhỏ không có thói quen đọc, thậm chí có cả những trẻ mà cha mẹ không cho phép đọc. Tôi thì không nghĩ như vậy, song báo ở nước ta nhiều khi có những tranh ảnh và bài viết không có chút ý nghĩa nào, vì vậy cũng cần phải chú ý chọn lựa.
Một điều quan trọng nữa là những câu chuyện mà ta kể cho trẻ, đặc biệt là khi còn nhỏ. Nó không chỉ là sự mở mang tri thức mà còn là chiếc cầu đưa trẻ đến với việc ham thích đọc sách. Tôi thường kể chuyện cho con, đến đoạn hấp dẫn tôi dừng lại, nói rằng truyện đó nằm ở trong quyển này, quyển kia, và khuyến khích con tự đọc. Đó là những trò chơi phát triển trí tuệ cho trẻ rất tốt